Tác nhân mới gây hoại tử gan tụy EMS trên tôm
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa mới công bố một tác nhân mới gây ra hội chứng hoại tử gan tụy (EMS) trên tôm nuôi.
Hiện nay, tác nhân gây ra hội chứng chết sớm hay hoại tử gan tụy cấp trên tôm (EMS/AHPND) được xác định cụ thể là các chủng Vibrio parahaemolyticus, chứa một plasmid độc hại có chứa các gen độc pirA và B (pirAB). Những báo cáo trước đây của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện một dòng vi khuẩn Vibrio campbellii mới cũng mang gen pirVP được chứng minh là tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm ngoài các chủng từ loài V.paraheamolyticus đã biết. Hằng năm, căn bệnh này gây thiệt hại hàng trăm triệu USD đối với ngành công nghiệp nuôi tôm trên thế giới và Việt Nam. Những nghiên cứu về tính độc cũng như các giải pháp phòng chống đại dịch này vẫn đang được các trung tâm nghiên cứu và các viện trường tiếp tục đẩy mạnh. Nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh cho người nuôi.
Mới đây, một dòng vi khuẩn Vibrio mới đã được phân lập từ các hệ thống nuôi tôm tại Thượng Hải, Trung Quốc trên những cá thể tôm được xác định là mắc phải EMS. Vi khuẩn này được xác định là Vibrio owensii, kết quả xét nghiệm sử dụng phân tử gen 16S rRNA, toàn bộ trình tự bộ gen và phân tích so sánh đã được áp dụng.
Tôm bị chết do V. owensii
Khi quan sát trên kính hiển vi điện tử, các nhà khoa học Trung Quốc nhận thấy các tế bào V. owensii có hình que (1,86 ± 0,15μm) với một sợi đơn cực (4μm). Ngoài ra, V. owensii hình thành khuẩn lạc màu da cam với các cạnh rìa sáng xung quanh khi được nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng CHROM agar.
Các gen độc lực pirAB trên plasmid của V. owensii cho thấy sự giống nhau 100% so với pirAB (EMS/AHPND) được gây ra bởi V. parahaemolyticus, và các protein mã hoá được phát hiện trong môi trường nuôi cấy cũng tương tự nhau.
Tuy nhiên, quá trình nuôi cấy V. owensii cho thấy các gen pirAB của chúng không ổn định, và tỷ lệ mất đi của chúng là khoảng 22% sau thế hệ thứ năm.
Gây nhiễm thực nghiệm V. owensii trên tôm thẻ
Trong thí nghiệm gây nhiễm thực nghiệm V. owensii trên tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp ngâm, tỷ lệ chết tích lũy của tôm nhiễm bệnh V. owensii (pirAB +) lên đến 100% trong vòng 4 ngày và các dấu hiệu lâm sàng điển hình của EMS/AHPND được quan sát thấy. Quan sát mô bệnh học cho thấy khoảng 105CFU/g gan tụy của các tế bào V. owensii trong tôm nhiễm pirAg +.
Kết quả của các nhà khoa học Trung Quốc chỉ ra rằng dòng Vibrio. owensii nổi lên như một tác nhân mới gây ra hôi chứng chết sớm EMS/AHPND trên tôm. Đây cũng là bằng chứng cho thấy sự truyền ngang của gen pirVP hoặc plamid pVA1 giữa các loài vi khuẩn khác nhau, do đó có khả năng làm tăng sự phức tạp của các tác nhân gây bệnh AHPND và làm gia tăng mối đe dọa đối với ngành tôm.Do đó cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu và những biện pháp ứng phó hiệu quả với những dòng vi khuẩn trong tương lai có thể trở thành đại dịch.
Báo cáo khoa học Liu L, et al. J Invertebr Pathol. 2018.